Dinh dưỡng là nguồn năng lượng cần thiết cho mỗi con người trong quá trình vận động và phát triển. Đặc biệt, nó rất quan trọng đối với trẻ nhỏ trong mỗi giai đoạn từ bé cho đến lúc trưởng thành. Tuy nhiên, trên cả nước gặp nhiều trẻ em suy dinh dưỡng do chưa nạp đủ dưỡng chất cần thiết. Vì vậy, mỗi bữa ăn trong gia đình đều quan trọng, không chỉ với người lớn mà cả với trẻ nhỏ. Nó góp phần giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là cách để các bậc phụ huynh có thể xây dựng một thực đơn dinh dưỡng phù hợp cho con mình.
Mục lục
Thế nào suy dinh dưỡng ở trẻ?
Nếu theo dõi sát sao bạn sẽ thấy cân nặng của bé dường như bị đứng lại. Nó không hề tăng cân trong thời gian dài. Thậm chí trẻ còn bị sụt cân đáng kể và thấp còi so với bạn cùng trang lứa. Đó là dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết chính xác nhất khi trẻ suy dinh dưỡng. Ngoài ra, hiện tượng này còn kéo theo nhiều triệu chứng khác như: rụng tóc, suy giảm các mô cơ, giảm mỡ dưới da, bắp thịt bị nhão. Song song đó là biểu hiện da dẻ của trẻ xanh xao, không còn hồng hào. Nếu không được chữa trị kịp thời, trẻ rất dễ gặp những hậu quả còn nặng nề hơn như da phát các đốm ban, tóc đổi màu hoặc bị phù nề, phình bụng.
Nguyên nhân dẫn đến việc suy dinh dưỡng
Do dinh dưỡng thường ngày
Bạn cần xem lại chế độ dinh dưỡng của con trong thời gian qua. Vì một chế độ thiếu năng lượng, thiếu chất (đặc biệt là các khoáng chất cần thiết) là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ suy dinh dưỡng. Có thể bạn cho con ăn không đầy đủ hoặc con bỏ ăn. Trên thực tế, trẻ mang tâm lý chán ăn là một vấn đề xảy ra khá phổ biến ở nhiều gia đình. Vì thế các bậc phụ huynh cần có một cái nhìn sáng suốt hơn về thói quen ăn uống của con.

Do thể chất suy yếu
Trẻ chán ăn có thể là do thói quen, tâm lý nhưng cũng có thể là do rối loạn các chuyển hóa thể chất và thần kinh trong cơ thể. Ngoài ra, các bác sĩ còn cho rằng do trẻ sinh non, suy giáp bẩm sinh, bệnh vàng da…cũng là những “thủ phạm” khiến trẻ suy dinh dưỡng.
3 mẹo nhỏ khi xây dựng thực đơn
Thêm chất béo vào món ăn
Bạn có biết chất béo từ dầu mỡ mang đến nguồn năng lượng gấp đôi chất đạm và chất béo? Không chỉ bổ sung năng lượng, chất béo còn là môi trường để hòa tan các vitamin tan trong dầu. Cụ thể là 2 loại vitamin quan trọng E và D. Thế thì tại sao không tăng cường chất béo vào khẩu phần ăn uống của trẻ ngay! Mỗi bát cháo hoặc canh của trẻ bạn nên cho vào một thìa dầu hoặc mỡ.
Nấu thức ăn không quá đặc
Nếu bạn cho trẻ ăn cháo loãng, trẻ sẽ ăn nhiều hơn nhưng nó lại không có nhiều dinh dưỡng và không cung cấp đủ năng lượng. Còn nếu cho trẻ ăn cháo quá đặc trẻ sẽ nhanh ngán. Cách tốt nhất, bạn hãy nấu cháo với độ đặc vừa để trẻ được hấp thu nhiều dưỡng chất nhưng lại không ngán.
Thêm bữa phụ cho bé
Ngoài 3 bữa chính trong ngày, bạn cần tăng cường thêm 2 – 3 bữa phụ. Mỗi bữa phụ sẽ cách bữa chính 2 tiếng. Lúc ấy, trẻ có thể bổ sung thêm nhiều dưỡng chất thiếu hụt. Hoa quả, nước ép hoa quả, sữa cho bé, sữa chua, bánh quy, sô cô la…là những thực phẩm tuyệt vời dành cho trẻ.
Gợi ý một số thực đơn buổi sáng cho trẻ

Thực đơn ăn sáng 1 cho trẻ:
– Một bát tô cháo gồm: gạo tẻ: 50g, thị nạc vai (thịt gà, cá đã bỏ xương hoặc 1 quả trứng gà): 50g, dầu ăn (mỡ): 2 thìa cà phê, rau xanh thái nhỏ: 50g.
Bạn có thể nấu cháo trắng từ hôm trước để tủ lạnh sáng dậy mới đun lại rồi cho thịt, rau, dầu mỡ vào (có thể thay cháo bằng bún, mỳ, phở…. theo khẩu vị của cháu)
– 1 cốc sữa chua: 100ml
– 1 ly nước cam hoặc 1 quả chuối hoặc 1 miếng đu đủ.
Thực đơn ăn sáng 2 cho trẻ:
– Bánh mỳ kẹp trứng hoặc batê : 1/2 chiếc hoặc 2 lát bánh mỳ gối.
– Dưa chuột: 1 quả.
– Sữa tươi nguyên kem hoặc 1 cốc sữa bột pha: 200ml
Thực đơn ăn sáng 3 cho trẻ:
Xôi trắng hoặc xôi đỗ: 1 lưng bát con ăn với chả hoặc thịt kho tàu: 50g.
– Dưa hấu: 200g
– Sữa: 200ml
Tóm lại muốn ăn gì thì ăn nhưng không thể thiếu sữa, trái cây và phải có một món có tinh bột.